Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, về quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện chỉ mới quy hoạch được 03 cụm: thành phố Cà Mau (02 cụm, diện tích 1.356 ha) và huyện Đầm Dơi (01 cụm, diện tích 634 ha); các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn đang lập dự án; riêng huyện Ngọc Hiển vẫn chưa triển khai. Một số dự án quy hoạch cụm đã được phê duyệt nhưng thiếu nguồn vốn để triển khai thực hiện. Do việc lập quy hoạch tiến độ thực hiện chậm; quản lý quy hoạch và tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi tôm công nghiệp theo quy hoạch còn hạn chế, dẫn đến tình trạng tự phát, manh mún, nên việc đầu tư hệ thống lưới điện gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó do công tác điều tra còn thiếu chính xác nên còn nhiều khu vực sau đầu tư vẫn chưa đáp ứng hoặc khi đầu tư xong thì không sử dụng hết công suất…
Thu hoạch tôm công nghiệp
Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từng lúc không ổn định, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn một cách hiệu quả, thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài, mưa trái mùa làm cho môi trường biến động mạnh, tác động xấu đến tôm nuôi…là một trong những nguyên nhân làm cho bà con nông dân chưa mạnh dạn đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp. Về tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ và manh mún, mang tính tự phát, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm thực hiện một cách sâu rộng. Môi trường nước trên các sông rạch nhất là ở khu vực nội đồng có dấu hiệu bị ô nhiễm do điều kiện trao đổi nước gặp nhiều khó khăn, nước thải công nghiệp, sản xuất, sinh hoạt, nhất là nước thải trong sên vét, cải tạo ao đầm đều trực tiếp xả xuống sông rạch ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung.
Nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Cà Mau còn những khó khăn, thách thức
Phát triển nuôi tôm công nghiệp nói riêng và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nói chung ở Cà Mau còn nhiều khó khăn, thách thức. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần đánh giá, phân tích thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp thời gian qua, để đó tìm ra giải pháp, phương hướng nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phạm Ngọc